Giới thiệu về núi lửa Nâm Kar

Núi lửa Nâm Kar nằm tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là một trong những điểm nhấn nổi bật của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 55 km theo hướng Đông Bắc dọc quốc lộ 28, cụm núi lửa Nâm Kar không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ mà còn bởi giá trị địa chất và văn hóa độc đáo.

Núi lửa Nâm Blang
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có 5 miệng núi lửa là ngọn núi lửa Nâm Blang (Chư R’luh), núi lửa Băng Mo (Ea Tling, núi lửa Nam Gle (Thuận An), núi lửa Nam Dơng và cuối cùng là cụm núi lửa Nâm Kar – Một trong những núi lửa trẻ và đẹp nhất khu vực Tây Nguyên.
Truyền thuyết về núi lửa Nâm Kar

Truyền thuyết về núi lửa Nâm Kar là một câu chuyện huyền bí được đồng bào M’Nông lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Tương truyền, xưa kia trên đỉnh núi Nâm Kar có một hồ nước rộng mênh mông, xung quanh cỏ cây xanh tốt, trong hồ có rất nhiều cá. Một chàng trai trong vùng, không biết rằng những con cá này là do thần linh nuôi dưỡng, đã tìm đến hồ bắt cá để nướng ăn. Sau khi ăn xong, chàng trai bỗng cảm thấy ngứa ngáy khắp người, khuôn mặt dần biến dạng, tai to ra, mũi kéo dài, bụng phình to, và thân hình trở nên vạm vỡ giống như một con voi. Vì chàng trai hóa voi nên ăn rất khỏe, dân làng không đủ thức ăn để nuôi. Các già làng và thầy cúng bèn nghĩ cách, nấu cơm nếp, bắp, đậu, củ sắn, rải lên lá cây trúc để nhử voi. Khi voi ăn, họ đọc thần chú để voi nhớ rằng đó là thức ăn của mình, từ đó tránh làm hại dân làng.

Hiện nay, trên miệng núi lửa Nâm Kar vẫn còn một hồ nước với nhiều loài cá sinh sống, người dân địa phương gọi ngọn núi này là Nâm Kar, trong tiếng M’Nông nghĩa là “núi cá”. Câu chuyện không chỉ mang tính huyền bí mà còn nhắc nhở con cháu về việc tôn trọng và không xâm hại thiên nhiên, thể hiện triết lý sống hài hòa với môi trường của người M’Nông.
Đặc điểm tự nhiên của núi lửa Nâm Kar

Núi lửa Nâm Kar được hình thành từ ba ngọn núi lửa, bao gồm một nón xỉ chính (miệng núi lửa chính) và hai nón xỉ phụ, tạo nên một cụm địa chất độc đáo. Miệng núi lửa chính có chiều cao 60 m, đường kính 220 m, với miệng sâu khoảng 20 m từ đỉnh, mang hình dạng oval đặc trưng. Ở độ cao 660 m so với mực nước biển, núi lửa này được cấu tạo chủ yếu từ xỉ và bom núi lửa, với các viên xỉ có đường kính trung bình vài centimet. Hai miệng phụ, được hình thành dưới dạng lỗ thoát dung nham, cùng với các khuôn cây hóa thạch từ quá trình phun trào, làm tăng thêm giá trị địa chất của khu vực này. Hoạt động núi lửa Nâm Kar diễn ra cách đây khoảng 5,33 đến 0,78 triệu năm, với sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ, tạo nên cảnh quan ngoạn mục và được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Với niên đại dưới 10.000 năm, Nâm Kar được xem là một trong những núi lửa trẻ nhất trong Công viên địa chất Đắk Nông. Hình dạng nón cụt, miệng phễu trũng ở giữa, cùng các “núi lửa vệ tinh” xung quanh, làm nổi bật tính độc đáo về cấu tạo và sự phân kỳ địa chất. Đặc biệt, vùng đất bazan màu mỡ hình thành từ hoạt động núi lửa đã tạo điều kiện cho các loại cây trồng, đặc biệt là bơ Nâm Kar, nổi tiếng với độ dẻo, màu sắc và hương vị đặc trưng.
Vẻ đẹp thiên nhiên kỳ bí của núi lửa Nâm Kar

Nhìn từ xa, núi lửa Nâm Kar trông như một chiếc bát úp khổng lồ, được bao phủ bởi thảm thực vật xanh mướt. Vào mùa hoa dã quỳ, sắc vàng rực rỡ xen lẫn màu xanh của cây cỏ và nương rẫy tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động.

Con đường uốn lượn dẫn lên núi lửa mang đến cảm giác thư thái, gần gũi với thiên nhiên. Từ đỉnh núi, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh núi non trùng điệp của Đắk Nông, hòa quyện giữa vẻ hùng vĩ và bình yên.

Đường lên núi lửa Nâm Kar khá dễ dàng, với độ dốc khoảng 35-45 độ và lối mòn được người dân địa phương thường xuyên đi lại để để canh tác.

Du khách có thể vừa đi bộ lên núi, vừa chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ của đất trời Tây Nguyên.
Tiềm năng du lịch của núi lửa Nâm Kar

Núi lửa Nâm Kar không chỉ có giá trị về mặt địa chất và văn hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững tại Đắk Nông.
Vào năm 2020, núi lửa Nâm Kar trở thành một phần của tuyến du lịch “Trường ca của Nước và Lửa” thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Nâm Kar đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, du khách, và những người đam mê khám phá. Vẻ đẹp của Nâm Kar từ trên cao đã được bình chọn vào “Top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ không trung” trong chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” do độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn, minh chứng cho sức hút của địa danh này.